Architecture MasterPrize 2021
(ĐTTD) Giải thưởng Architecture MasterPrize tôn vinh những thành tựu thiết kế từ khắp nơi trên thế giới, trong đó đặc biệt nhấn mạnh tới tính nhân văn và hòa hợp với môi trường
- Kitchen Insight: tìm kiếm chuẩn mực mới cho căn bếp tương lai
- Phi Suea House: Những ngôi nhà xanh của Thái Lan
- Ford tiến tới mục tiêu không sử dụng nước ngọt trong sản xuất
Architecture MasterPrize (AMP) là giải thưởng được đánh giá cao trong ngành kiến trúc, tuy chưa thực sự được công chúng rộng rãi biết đến. AMP được tạo ra bởi nhà tổ chức Farmani Group, và đây là năm thứ 6 giải thưởng được công bố nhằm vinh danh các thiết kế kiến trúc, quy hoạch và nội thất có chất lượng cao trên toàn thế giới.
David Tera, Trưởng bộ phận Truyền thông của AMP, cho biết: “Những người chiến thắng năm nay đã thể hiện tài năng đặc biệt và đã đặt ra một chuẩn mực mới cho thiết kế kiến trúc. Ban giám khảo của AMP rất vui khi thấy nhiều dự án nhấn mạnh đến tính bền vững, đưa ra các giải pháp để đối phó với những thách thức về môi trường cũng như sựu biến đổi của xã hội. Điều này cho thấy, thiết kế sáng tạo đã vượt ra ngoài khuôn khổ thẩm mỹ đơn thuần".
Tại Architecture MasterPrize 2021, công ty kiến trúc Võ Trọng Nghĩa của Việt Nam đã giành được giải thưởng “Công ty kiến trúc của năm”. Cái tên VTN Architects đã thực sự trở thành thương hiệu có uy tín trên quốc tế, gắn liền với các công trình “xanh” với nỗ lực tái tạo lại các khu vực đô thị xanh và hòa hợp với thiên nhiên. Có trụ sở tại Thành phố Hồ Chí Minh, VTN Architects truyền tải công trình của mình với những bức tường trồng cây tươi tốt, dây leo treo, cây xuyên trúc, đá phong hóa và cảnh quan địa phương; kết hợp các kỹ thuật xây dựng truyền thống của Việt Nam, như giàn tre phức hợp, khối đục lỗ, hệ thống nước làm mát, sân thượng có bóng râm và mái tranh.
Ngoài các thiết kế mang tính “truyền thống” như các công trình làm bằng tre, biệt thự vườn, năm nay công ty cũng được vinh danh trong hạng mục Commercial Architecture (Kiến trúc thương mại) với thiết kế tòa nhà công sở Nanoco. Tọa lạc tại Phường Thạnh Mỹ Lợi, Thành phố Thủ Đức, tòa nhà được hình thành bởi các hộp xếp xen kẽ nhau được bọc bằng các khối thủy tinh và tạo ra các bậc thang ở giữa để chứa cây xanh. Mặt tiền này có chức năng như một bộ lọc giúp tối ưu hóa các điều kiện khí hậu và thị giác. Thiết kế hướng tới sự hài hòa giữa con người và thiên nhiên, mang lại một môi trường làm việc tốt hơn. Tận dụng lợi thế của tầm nhìn cao, nó được kỳ vọng là một công trình kiến trúc mẫu mực cho sự phát triển bền vững.
Một công trình đến từ Việt Nam đoạt giai thưởng Best of Best hạng mục Green Architecture (Kiến trúc xanh) đó là thiết kế Văn phòng Tony Fruit của công ty TAA Design. Công trình nằm tại Quận 4, Thành phố Hồ Chí Minh, nơi có tỷ lệ xây dựng cao và hầu hết các tòa nhà được xây dựng làm trung tâm thương mại và trụ sở văn phòng. Ý tưởng sử dụng hình “đục lỗ” cho phép khả năng tạo ra không gian trung gian để trồng cây xanh che bóng đồng thời mở ra liên hệ trực quan từ bên trong công trình đến cảnh quan bên ngoài. Mặt khác, việc lùi mặt tiền vào trong giúp tạo ra khoảng không gian đệm để trồng cây xanh ngoài trời, tạo ra lớp “da tự nhiên” che phủ các mặt tiền luôn phải tiếp xúc với ánh nắng ban ngày.
Trong danh sách của Architecture MasterPrize 2021 còn có một số công trình đáng chú ý khác đến từ Việt Nam như công trình nhà riêng “Quê” của 23o5 Studio, “Villa Tân Định” của MIA Design Studio, Khách sạn “Le Bouton Đà Nẵng” của D1 Architecture Studio, không gian làm việc tích hợp “Vibes” của Infinitive Architecture… Công trình Ngôi nhà nhà dành cho trẻ tự kỷ Hội An của lequang-architects cũng được đánh giá rất cao nhờ thiết kế hài hòa đồng thời mang tính nhân văn và cộng đồng. Bằng cách lắng nghe và quan sát trẻ tự kỷ, nhóm tác giả đã tìm ra cách thiết kế không gian phù hợp với chúng. Ngôi nhà mang tính hướng nội, nhưng bên cạnh đó vẫn phải tạo ra một kênh chọn lọc để mọi người giao tiếp với thế giới bên ngoài và phát triển các mối quan hệ cộng đồng theo cách riêng. Bên cạnh đó, vì nằm trong vùng thường xuyên chịu ảnh hưởng của thiên tai nên công trình phải có khả năng đối phó với lũ lụt, gió mùa. Hiện ngôi nhà Hội An đang hoạt động như một khu vườn cộng đồng, nơi thảm thực vật được sử dụng làm công cụ giáo dục cho trẻ em cũng như cung cấp rau sạch cho mọi người.
Theo Tạp chí Điện tử.
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận