Đua tranh Móc khóa thông minh
(ĐTTD) “Not Losing Your Stuff – Không sợ mất vật dụng” đang trở thành trào lưu mới nhờ sự trợ giúp của Móc khóa thông minh Smart tracker tag.
Gần như ai trong chúng ta cũng từng gặp trường hợp bỏ lẫn, bỏ quên chìa khóa và các vật dụng nhỏ, thậm chí là cả ví tiền, ở đâu đó. Nhờ vào sự phát triển của công nghệ điện tử, người ta đã phát minh ra những chiếc móc khóa thông minh, sẽ phản ứng lại khi được tìm kiếm bằng cách phát ra ánh sáng hoặc tiếng chuông báo để chủ nhân định vị.
Các móc khóa thông minh đời đầu thường được gắn sensor cảm ứng âm thanh, khi thu được âm thanh ở tần số tương ứng, ví dụ tiếng vỗ tay hay huýt gió, nó sẽ phản ứng lại. Từ khi giao thức không dây trở nên phổ dụng, và nhất là khi Smartphone lên ngôi, các mẫu móc khóa với cơ chế hoạt động “cổ điển” dần biến mất, thay vào đó hiện gần như chỉ còn bộ ba độc chiếm thị trường gồm Apple AirTag, Samsung SmartTag và Tile.
Tile có thể coi là người đi tiên phong trong phân khúc thị trường này, thương hiệu đã xuất hiện từ năm 2021 và doanh số cộng dồn đạt nhiều triệu sản phẩm. Tuy nhiên, Apple và Samsung chiếm hai vị trí cao nhất trên thị trường điện thoại thông minh toàn cầu nên dù ra mắt sau nhưng móc khóa thông minh của hai thương hiệu này có mức phát triển thần tốc.
Trong bài viết, chúng ta cùng so sánh ưu nhược điểm của bộ ba móc khóa thông minh đang đứng đầu thị trường. Về cơ bản, chúng đều có nguyên tắc hoạt động giống nhau, sẽ kích hoạt khi bạn tìm kiếm thông qua giao thức Bluetooth. Khác biệt lớn nhất là AirTag chỉ giao tiếp với các thiết bị iOS, SmartTag Plus chỉ tương tác với Samsung Galaxy, còn Tile Pro có khả năng giao tiếp với cả Anroid lẫn iOS nhưng lại không có kết nối Ultra Wideband (UWB).
Apple AirTag
Các sản phẩm mang logo “quả táo cắn dở” luôn được đánh giá rất cao về thiết kế kiểu dáng. Mẫu AirTag mới vừa được Apple tung ra cách nay chừng hai tháng tiếp tục mang hình tròn với “nước da” bóng bảy, không những thế, nó còn thoải mãn chuẩn chống nước IP6, cho phép đi mưa hay ngâm chút xíu trong nước.
AirTag không có lỗ hay móc để gắn vào thiết bị khác nhưng đây không phải nhược điểm mà ngược lại, chủ nhân có nhiều lựa chọn bao da bên ngoài dạng móc khóa, dây đeo, vòng tay hay dạng thẻ để dễ dàng gắn vào bất cứ vật dụng nào.
Bạn không thể điều chỉnh âm lượng của AirTag, bởi vậy nếu nó bị nằm lấp dưới đống đồ sẽ khó nghe thấy tiếng tiếng nó đáp lời, Nhưng bù lại, công nghệ AR giúp theo dõi đối tượng sẽ phát huy tác dụng vào những thời khắc này. Một mũi tên sẽ xuất hiện trên màn hình điện thoại hướng dẫn bạn đi đúng hướng tới AirTag cần tìm.
Khi AirTag nằm ngoài phạm vi Bluetooth của điện thoại, tính năng Find My (Tìm tôi) sẽ cung cấp vị trí gần đúng và bạn chỉ cần di chuyển đến khu vực chỉ định. Thêm nữa, AirTag có thể được “nhìn thấy” bởi iPhone khác với đầy đủ thông tin chủ chính chủ, khiến cho việc tìm vật dụng thất lạc của chủ nhân trở nên dễ dàng hơn. Apple đang thêm tính năng cảnh báo tách biệt trong iOS 15, thiết bị sẽ tự động gửi thông báo nếu thấy iPhone bị bỏ xa.
AirTag đang được bán trên mạng với giá khoảng dưới 30 đô la Mỹ. Tại Việt Nam, sản phẩm cũng đang được một số nhà bán lẻ cung cấp với giá tương đương, khoảng trên dưới 700 ngàn đồng, không gồm bao da đi kèm.
Samsung SmartTag Plus
SmartTag Plus mang hình vuông với các cạnh được vuốt tròn trịa và có một lỗ để treo. Sản phẩm chỉ có 2 màu lựa chọn là Đen và Xám. Về hình dáng bên ngoài, không thể phân biệt được với đời trước nếu không để ý vào logo SmartTag có thêm dấu cộng (+) tức là Plus trong tiếng Anh.
SmartTag Plus được Samsung chào bán với giá chính thức 39 đô la Mỹ (gần 900 ngàn đồng) cho phiên bản được trang bị UWB, trong khi bản phổ thông có giá thâoos hơn 10 đô la, tức là ngang giá với Apple AirTag. Chế độ AR cung cấp xem qua camera của điện thoại với các mũi tên điều hướng xuất hiện trên màn hình, hữu ích hơn một chút so với hướng dẫn chỉ có 1 mũi tên của Apple.
Tương tự chức năng Find Me của Apple, Galaxy Find của Samsung cũng là hình thức để các thiết bị trong hệ sinh thái Galaxy tham gia sau khi chủ nhân kích hoạt chức năng này thông qua ứng dụng SmartThings. Bạn cũng có thể sử dụng nút trên SmartTag như một loại thiết bị khởi động từ xa cho các thiết bị tự động thuộc hệ sinh thái SmartThings của Samsung.
Điểm yếu nhất của SmartTag trong bộ ba này là thời lượng pin chỉ khoảng 6 tháng, trong khi AirTag và Tile Pro đề có thể chạy cả năm mới cần thay pin.
Tile Pro
Tile Pro có giá bán nằm giữa AirTag và SmarTag Plus, nếu bạn không dùng iPhone hay Galaxy và cũng “không care” về giá thì Tile Pro là lựa chọn vượt trội. Tile đi đầu trong lĩnh vực này và sản phẩm luôn được hoàn thiện kể cả về hình thức lẫn chức năng.
Tile Pro vẫn tiếp tục giữ lại vóc dáng quen thuộc với hình vuông, một cạnh được làm bẹt và có lỗ để dễ dàng treo, móc hoặc buộc vào vật dụng cần tìm kiếm. Thiết bị có 2 màu lựa chọn là đen hoặc trắng, để phân biệt với đời trước bạn phải nhìn vào “nước da” – Tile Pro có lớp hoàn thiện trơn nhẵn chứ không có vạch kẻ.
Tuy không có thế mạnh “chống lưng” từ một thương hiệu smartphone nào, nhưng Tile vẫn phát triển tính năng “Tìm kiếm cộng đồng” dựa trên những người dùng Tile. Mới đây, Tile đã chính thức kết nối với mạng Sidewalk của Amazon và như vậy cộng đồng được dự đóan sẽ mở rộng rất nhanh trong thời gian tới.
Một thế mạnh nữa của Tile là dải sản phẩm khá rộng, ngoài Tile Pro, hãng còn có phiên bản Slim “thân thiện” với ví và Sticker nhỏ xinh có lớp keo dán do 3M cung cấp dễ dành dính chặt vào bất cứ vật dụng nào.
Theo Tạp chí Điện tử.
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận